Giữ gìn bản sắc văn hóa trong hội nhập Điêu khắc Liên Vũ
Những con sư tử đá, những chiếc đèn đá và nhiều hiện vật ngoại lai đang dần được đưa khỏi các di tích.
Mặc dù không ít nơi vẫn lúng túng trong việc xử lý những hiện vật này, nhưng đây là cơ hội để những người làm di sản và mỗi người dân có thể hiểu và nhận thức đúng hơn về bản sắc văn hóa dân tộc trong sự giao lưu với các nền văn hóa trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.
Cơ hội trở về đúng bản sắc Việt
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ là người đầu tiên chế tác các mẫu nghê sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tuy nhiên để có được thành quả như ngày hôm nay nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ và Họa sỹ Quỳnh Liên chia sẻ: "Thật ra nhiều khi vợ chồng tôi cũng nản với công cuộc phục dựng Linh vật Việt. Nản ở đây không phải là sợ vất vả hay công chúng không đón nhận mà các bạn biết rồi đấy người nghệ sỹ chỉ giỏi làm đúng chuyên ngành của mình thôi còn mấy vụ văn bản, thủ tục hành chính thì ... nản lắm

Nhà Điêu Khắc Nguyễn Văn Vũ bên đôi Nghê do anh Điêu khắc
Nhưng rất may chúng tôi được sự động viên, ủng hộ của bạn bè , đồng nghiệp, gia đình , cục di sản, sở văn hóa, cán bộ văn hóa phường, quận và các lãnh đạo nên cứ nản là lại có biệt dược sốc lại tinh thần để tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn

Hình ảnh đơn xin cung tiến để thay thế Linh vật ngoại lai bằng đôi Nghê của Việt Nam
Và hôm nay mặc dù mưa gió sụt sùi nhưng chúng tôi rất vui vì đã có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hành chính để Linh vật Việt đường đường chính chính trở về vị trí của mình ở Đình Hoàng Liên thay cho linh vật ngoại lai. Nghệ sỹ chúng tôi chỉ có thể yêu nước theo cái cách nhẹ nhàng thế thôi.
Dù xã hội có nhiễu nhương thì mình cũng cứ truyền bá những điều tốt đẹp theo cách của mình còn những việc lớn thì phải dành cho anh hùng hào kiệt , tự mình phải biết mình là ai, mình làm được gì.

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ (xưởng điêu khắc Liên Vũ, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đôi nghê Việt của anh vừa được đưa vào đình làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) để thay thế cho những con sư tử đá theo kiểu nước ngoài. Đôi nghê đưa vào đình Trạch Xá làm bằng đá nhân tạo được anh chế tác theo nguyên mẫu nghê gỗ ở đền thờ Vua Lê Thánh Tông (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), niên đại thế kỷ XVII.

Kích thước nghê khá lớn, cao 118 cm, nhỉnh hơn một chút so với bản gốc. Đây là loại "khuyển nghê", tức con nghê được lấy nguyên mẫu từ con chó. Nhà điêu khắc chia sẻ: "Từ khi được biết ngành văn hóa đưa ra khuyến cáo không sử dụng linh vật ngoại lai trong di tích, chúng tôi đang nỗ lực để đưa các linh vật mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mỹ thuật Việt trở lại di tích nói riêng và đến với công chúng nói chung".

Ngay từ thời đi học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, Nguyễn Văn Vũ đã được biết đến vẻ đẹp của những con nghê Việt qua những bài giảng, qua những chuyến đi thực tế. Nhưng sau đó, cuộc sống cuốn đi, chính anh từng "trót" làm một số mẫu sư tử đá kiểu nước ngoài phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra khuyến cáo, rồi cuộc trưng bày chuyên đề về linh vật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật (tháng 11-2014), Nguyễn Văn Vũ mới "giật mình" nhận ra. Những linh vật Việt là cả một kho tàng giá trị về tạo hình điêu khắc, vừa mang những ý nghĩa và triết lý nhân sinh, gần gũi. Nghê Việt khi thì được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu con chó - một loài vật trung thành, gần gũi với con người (khuyển nghê, cũng là loại phổ biến nhất), khi thì được sáng tác từ nguyên mẫu con sư tử (sư nghê), có khi lại lấy cảm hứng từ trang trí hình tượng rồng (long nghê). Điểm nổi bật của nghê Việt là gần gũi, ấm áp, thân thiện mà vẫn tiềm tàng sức mạnh.

Ngay lập tức, anh Nguyễn Văn Vũ lao vào nghiên cứu. Tranh thủ thông tin trên mạng internet, đi thực tế tìm hiểu, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu mỹ thuật... Nhìn trên tranh ảnh là một chuyện, bắt tay vào phục dựng là chuyện khác. Phần lớn nguyên mẫu nghê ở các di tích đều bị hư hại. Con sứt đầu, con mẻ tai, con cụt đuôi... Mẫu nghê ở đền thờ Vua Lê Thánh Tông là một thí dụ. Mặc dù Bảo tàng Mỹ thuật có phiên bản, nhưng khi vào đến tận ngôi đền, anh thấy phiên bản đó không đạt. Bản gốc bị hỏng ở phần đuôi.
Phải mất đúng hai tháng trời vừa nghiên cứu, vừa xin ý kiến các nhà chuyên môn, anh mới hoàn thành được phác thảo bằng đất. Sau đó, anh chuyển thể sang mẫu thạch cao, rồi đúc bằng đá nhân tạo. "Công văn khuyến cáo về sử dụng linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam trong di tích do ngành văn hóa ban hành tháng 8-2014 là muộn.
Tuy nhiên, tôi luôn coi đây là cơ hội. Cơ hội để nhận ra mình đang ở đâu, mình được và mất cái gì trong giao lưu văn hóa những năm qua. Từ đó mình có hướng khắc phục, tìm lại và khẳng định lại những giá trị của văn hóa Việt", Nguyễn Văn Vũ tâm sự. Những ngày này, Nguyễn Văn Vũ đang chuẩn bị hoàn thành thêm hai mẫu nghê nữa. Trong đó có một mẫu "long nghê" rất đẹp, được người xưa tạo tác với cảm hứng từ con rồng. Nguyễn Văn Vũ dự định sẽ phục dựng tất cả các mẫu nghê đẹp qua các thời kỳ lịch sử.
Có thể sẽ mất ít nhất vài năm. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng với anh là làm thế nào để phổ biến hình ảnh con nghê vốn rất thân thương, gần gũi với người Việt được trở lại các di tích, được đi vào trong các công trình kiến trúc, văn hóa của người Việt hôm nay.
Bài học về hội nhập văn hóa
Ngoài đôi nghê tại đình Trạch Xá, Nguyễn Văn Vũ còn là tác giả của đôi nghê tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội). Anh cũng đang nhận được một số đơn đặt hàng khác. Không chỉ trong di tích, đã có doanh nhân mua nghê để đặt tại trụ sở công ty mình. Một số làng nghề điêu khắc đá như Ninh Vân (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), làng Nhồi (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa)..., thay vì "trưng" ra những con sư tử dữ tợn đã bắt đầu xuất hiện những mẫu nghê cổ truyền. Nghê Việt đang tìm đường trở về. Dẫu vậy, vẫn còn lắm gian nan. Nguyễn Văn Vũ kể rằng, khi vận chuyển đôi nghê về làng Trạch Xá, nhiều người dân xì xào, bàn tán, không biết đây là linh vật của nước nào.
Hiện tại, tại Phòng trưng bày: số nhà 22 Hoàng Liên - Liên Mạc Q. Bắc Từ Liêm - Hà Nội chúng tôi có sẵn các mẫu tượng Nghê Việt quý khách hàng có thể trực tiếp tham quan và chiêm ngưỡng các sản phẩm của chúng tôi, vui lòng liên hệ:
Công ty cổ phần Mỹ thuật Liên Vũ
Địa chỉ: Hoàng Liên- Liên Mạc- Bắc Từ Liêm- Hà Nội
Hotline: (024) 38.560.569 - 0913.574.894
Email: dieukhaclienvu.com@gmail.com
Website: dieukhaclienvu.com/
Fanpage: facebook.com/7478dieukhaclienvu/